Die Zauberbohne

25.01.22

#Cảm thụ sách#
Wolketigerbohne – Hạt Đỗ Hổ Mây

by Nhan Bùi
(Deutsche Übersetzung demnächst)

Nhà mình sở hữu cuốn sách song ngữ giá trị này đã được một thời gian và hôm nay mình rất muốn chia sẻ hiệu ứng thần kỳ mà những trang sách này đã mang lại cho các con mình.

Cuốn sách có bìa cứng, in khổ A4 trên nền xanh dương chủ đạo (mình luôn thích tính thẩm mỹ cao trong các cuốn sách của Horami, chau chuốt tới từng chi tiết, trong cuốn sách này đến cả font chữ cũng đầy tính tự sự), lời văn nhẹ nhàng trong sáng, gần gũi với trẻ nhỏ. Đây là tác phẩm đầu tay của tác giả trẻ Thảo Bùi – riêng lời tựa đã quá đỗi thân thương: “Tuổi thơ là báu vật quý giá nhất trên đời. Dành tặng Mây, An, Auru và bạn chó đốm Bello”.

Cuốn sách kể về một bạn gái nhỏ tên là Mây, một bạn gái 8 tuổi cũng hệt như chúng mình – Mây thích leo trèo và hòa mình vào thiên nhiên, có trái tim ấm áp và đặc biệt biết quan sát những điều nhỏ bé xinh đẹp. Hình ảnh Mây đu mình treo ngược trên cành cây đu đủ rất gần gũi với tư thế leo trèo của Nhung nhà mình, mẹ chỉ cảnh báo với Nhung rằng cành đu đủ sẽ không đủ treo sức nặng của Nhung 😛

Mình thấy việc đưa hình tượng cây đu đủ vào cuốn sách rất ý nghĩa, vì tuy cây này gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều ba mẹ đang đọc cuốn sách này, nhưng lại rất mơ hồ với thế hệ thứ hai, các con nhờ thế mà có cơ hội được tra cứu “Cây đu đủ là cây gì, thân mọc ra sao?”. Và tất nhiên để biết hương vị thế nào thì ba mẹ có thể mua quả đu đủ về để con cảm nhận trái ngọt này với tất cả các giác quan của mình.

Và như trong chuyện cổ tích, một chú chim đã đặt vào tay Mây một thứ gì rất nhỏ bé – đây không phải là một hạt đỗ thông thường vì hạt này “lấp lánh màu xanh biếc tuyệt đẹp” – đây là một áng văn miêu tả hay (cả tiếng Đức lẫn tiếng Việt). Màu sắc phi thường của hạt đỗ gợi cho các bạn nhỏ những ước ao về một điều thần kỳ bí ẩn “Chuyện gì sẽ xảy ra với hạt đỗ đặc biệt này khi mình gieo hạt vào đất và ngắm nhìn?” Có lẽ Mây cũng truyền cảm hứng cho các nhỏ tự mình ngâm đỗ và gieo hạt, cảm giác chờ đợi hạt nhỏ ra rễ và nảy mầm là một trải nghiệm rất đặc biệt đấy, vì mình gieo một mầm sống, niềm vui và hi vọng sẽ lớn dần. 

Và hạt đỗ nhỏ của Mây đã phổng phao thành một cây đỗ khổng lồ rồi, một chú hổ thân thiện cũng xuất hiện để cùng Mây dũng cảm bước vào một cuộc phiêu lưu trên những tòa nhà chọc trời. Khi mình còn nhỏ, mình thấy sao cái gì cũng to lớn, kỳ vĩ thế. Nhưng nếu được hóa mình vào Mây và bước đi trên cao thật là cao, thế giới sẽ thu nhỏ lại và mình sẽ quan sát được cả bức tranh toàn cảnh của nơi mình sống, chẳng phải rất thú vị hay sao. Trí tưởng tượng cũng bay cao hơn khi những ngày hạt đỗ giấu mình, Mây được cưỡi chú hổ khổng lồ “tàng hình” đi lang thang trong thành phố và hào hứng quan sát những điều nhỏ bé mà trong cuộc sống thường ngày em chưa từng để tâm. Hình ảnh Mây cùng bạn hổ cưỡi mây trong màn đêm gợi ra màu sắc cổ tích như chiếc thảm thần của Aladin, cũng gợi liên tưởng đến phép Cân đẩu Vân của Tôn Ngộ Không khiến hai bạn nhỏ nhà mình thích thú!

Mây rất tự hào khi kể về nguồn gốc tên “Hạt Đỗ Hổ Mây” của mình, vừa nên thơ vừa huyền bí. Mây là một cô bé đặc biệt, bên cạnh sở thích bay cao và ưa phiêu lưu mạo hiểm, có những ngày Mây trở nên trầm lắng, thả mình trong những điều nhỏ bé, nhẹ nhàng – như nằm trên thảm cỏ êm, “ngậm một ngọn cỏ đang rung rinh trong gió “ và lắng nghe những những đám mây thủ thỉ kể chuyện về nguồn gốc châu Á của mình. 


Và đây chính là phần gợi nhiều liên tưởng nhất cho các con mình. Mây lần lượt giới thiệu năm tuổi của từng thành viên trong gia đình mình và những điểm đặc biệt của mỗi người (Mây vốn là một cô bé quan sát rất tốt mà), những điểm đó có hợp với tuổi của họ không? Phần miêu tả này rất hài hước. Bà tuổi Lợn rất đảm đang, bà như tượng Phật có nghìn tay, cùng một lúc bà làm biết bao nhiêu thứ mà vẫn ung dung, thong thả. Ông tuổi Rồng rất hay bay nhảy và thích giúp đỡ mọi người. Phần buồn cười nhất là em trai Mây cũng tuổi Ngựa như chú nhưng mà con ngựa này hơi hung hăng “Khi không hài lòng điều gì thì nó sẽ lăn ra đất ăn vạ và quẫy lên một đống bụi mù mịt” (Wenn ihm etwas nicht passt, wätzt er sich auf dem Boden herum und wirbelt jede Menge Staub auf). Phần lời dịch Việt và Đức rất sát và thú vị (chồng mình cũng khen bản tiếng Đức hay), mình học thêm từ mới về hành động lăn mình ăn vạ trên đất – “vũ khí” quen thuộc của rất nhiều các bạn nhỏ. Việc Mây chia sẻ về những lúc chí chóe giữa Hổ và Ngựa rất gần gũi, ai cũng thấy quen quen nhỉ. Quan trọng là sau đó chị em lại cùng làm gì chung và “quên hết những giận hờn đã xảy ra”. Đây là một chi tiết mang đậm văn hóa Á Đông, tình nghĩa máu mủ ruột già là quan trọng, dù có chuyện gì thì cũng có thể hóa giải, và cố nhiên Tết đến thì gia đình lại hòa thuận, sum vầy. 

Câu chuyện khép lại với vòng tròn 12 con Giáp được vẽ rất hiện đại và hệ thống, từ những năm sinh cụ thể này, mỗi nhà có thể tra ngay xem các thành viên gia đình mình sinh vào năm con gì. Nhung và Linh nhà mình thích thú với trang sách này lắm và đã tìm ngay ra tuổi của cụ, ông nội, bà nội, cả nhà bác. Hết châu Âu thì sang châu Á, tra xem nhà ngoại mọi người tuổi gì. Nhung hứng thú tới mức muốn gọi ngay cho ông ngoại để hỏi thêm về 12 con Giáp. Và thế là ông đã hướng dẫn Nhung cách đọc tên con Giáp theo tiếng Hán Việt, ý nghĩa của Can và Chi (phần này nâng cao quá mẹ Nhung cũng chịu). Thế là Nhung thuộc lòng “Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi”. Đọc ra rả mãi, khiến em Mai Linh cũng đọc theo. Hai chị em thi nhau đố xem nếu đọc một tràng mà thay tên một con Giáp bằng tên con vật khác thì đứa kia có nhận ra không. Mẹ nghe hai đứa đố đố với nhau thấy ấm lòng, mẹ chẳng mong đợi các con tìm hiểu sâu về văn hóa, mà các con cứ tự tìm về và đào sâu thật là sâu. Mà không phải học vẹt đâu, Nhung thật sự nhớ từng ngóc ngách từng từ, rất thích thuộc thêm từ Hán Việt (cảm hứng từ khi xem bộ “Tây Du Ký”).

Nhân ngày ông Công ông Táo, nhà Nhung đã xem thêm cả phim về sự tích 12 con Giáp. Nhung cao hứng còn vẽ cả tranh thần tốc đủ mặt 12 con vật mà con nào cũng có đặc điểm dễ nhận biết ngay, mẹ cũng phục Nhung sát đất. Hiệu ứng từ cuốn Hạt đỗ hổ Mây là cả hai con gái mình rất quan tâm và luôn muốn hỏi các cô chú tuổi gì. Hai nhóc cũng rất hứng thú tìm hiểu sâu thêm, vì hai đứa biết rằng ở Trung Quốc có một con Giáp khác với bộ con Giáp ở Việt Nam. Nhờ tra cứu thêm mà Nhung đã hiểu tại sao chú mèo bị gạt khỏi danh sách của Ngọc Hoàng, rất thú vị.  

Quay trở lại cuốn sách, mình muốn mở rộng thêm về chủ đề hạt đỗ. Tiếp cận theo phương diện khoa học, các bạn cũng có thể ngâm đỗ bằng nước lạnh qua đêm và dùng tăm nhỏ xiên qua, từ đó các bạn nhỏ có thể tự mình sáng tạo ra rất nhiều hình không gian khác nhau, thậm chí cả các công trình kiến trúc đồ sộ. Thú vị hơn nữa, các bạn nhỏ hãy thử nhúng các tác phẩm của mình vào nước xà phòng và nhẹ nhàng nhấc lên. Và quan sát, liệu đây có phải là một điều thần kỳ? Đỗ là một nguyên liệu thân thiện với môi trường, sau khi thí nghiệm thỏa thuê xong các bạn có thể dùng đỗ để nấu xôi, nấu chè hay để gieo mầm, nếu hiếu kỳ thì các bạn nhỏ hãy làm thử nhé, mình đảm bảo là rất thú vị đấy. 

Xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới tác giả Thảo Bùi và họa sỹ Alena Klemp vì đứa con tinh thần đầy giá trị này, mình hi vọng cuốn sách sẽ lan tỏa văn hóa tới thật nhiều gia đình xa xứ như với nhà mình vậy. Chúc tất cả các nhà đón Tết thật vui vẻ đầm ấm!

Tài liệu tham khảo:

Phim về 12 con Giáp:
https://youtu.be/-YYwLmbleW8

Thí nghiệm với hạt đỗ: 
https://youtu.be/eCYYkET2yfM